Ngành Lưu trữ học (chuyên ngành Văn thư Lưu trữ) tại Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngành Lưu trữ học (chuyên ngành Văn thư Lưu trữ) tại Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh

         Với truyền thống hơn 40 năm đào tạo ngành Lưu trữ học, trong nhiều năm qua, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã cung cấp một số lượng lớn đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ trung ương tới địa phương.
        Năm 2020, Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo chính quy ngành Lưu trữ học, chuyên ngành Văn thư Lưu trữ.
        Với đội ngũ giảng viên có chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo bài bản, nhiệt tình và trách nhiệm với sự nghiệp văn thư lưu trữ, tại đây sinh viên sẽ được cung cấp một khối lượng kiến thức phong phú và đa dạng về cả lý luận và thực tiễn nhằm giúp người học sau khi ra trường có thể đáp ứng những yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác văn thư, lưu trữ và quản trị văn phòng.
         Ngoài những kiến thức chung, nền tảng về văn thư lưu trữ, như: Pháp luật lưu trữ, Tổ chức tài liệu Phông Lưu trữ Quốc gia Việt Nam, người học còn được trang bị những kiến thức về tổ chức quản lý công tác văn thư lưu trữ như: Quản trị rủi ro trong công tác văn thư lưu trữ, maketing trong công tác văn thư lưu trữ, xã hội hóa công tác văn thư lưu trữ…
           Bên cạnh đó, sinh viên được nghiên cứu các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên ngành văn thư lưu trữ như: các kỹ năng thực hiện nghiệp vụ (Văn bản và kỹ thuật soạn thảo văn bản, tổ chức quản lý văn bản, tổ chức quản lý và sử dụng con dấu, tổ chức lập hồ sơ công việc và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ, sưu tầm, thu thập và bổ sung tài liệu, xác định giá trị tài liệu, phân loại tài liệu, tổ chức khoa học tài liệu, xây dựng hệ thống công cụ tra tìm, bảo quản an toàn và tổ chức khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ); kỹ năng tham mưu, tư vấn (xây dựng dự án, đề án lưu trữ; kỹ năng hoạch định và ra quyết định)…
         Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện các kỹ năng mềm như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tham mưu, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, …nhằm giúp sinh viên năng động hơn và có đạo đức nghề nghiệp sau khi ra trường.
          Hiện nay, cơ hội việc làm của sinh viên ngành văn thư lưu trữ khá phong phú và đa dạng. Sau  khi ra trường, sinh viên có thể làm các công việc về văn thư, lưu trữ, quản trị văn phòng ở tất cả các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương tới địa phương, có cơ hội trở thành:
          - Cán bộ quản lý văn phòng (Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Chánh văn phòng ...); 
        - Lưu trữ viên, chuyên viên văn thư tại các Bộ, ngành; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, tổ chức Đảng, đoàn thể hoặc các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tại các tỉnh, thành phố;
         - Giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên làm việc tại các Viện nghiên cứu,  hoặc giảng dạy các nghiệp vụ văn thư, lưu trữ tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo về văn thư, lưu trữ;
          - Nhân viên văn thư, lưu trữ tại Văn phòng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
         Để thành công trong ngành Lưu trữ học, chuyên ngành Văn thư Lưu trữ, người học cần có những tố chất, kỹ năng sau:
         Có kỹ năng kiểm tra, đánh giá; kỹ năng điều hành và quản lý;
         Kỹ năng thực hiện và hướng dẫn các nghiệp vụ văn thư, lưu trữ;
         Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình; kỹ năng làm việc nhóm;
         Có năng lực về tổ chức, điều hành bộ máy và hoạt động lưu trữ;
         Khả năng quản lý, quản trị thông tin lưu trữ; sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc;
        Có tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cẩn thận, kín đáo và nhạy bén; nghiêm túc trong công việc…

(Administrator - Khoa QTVP&LT)
 

CÁC BÀI KHÁC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây