QUY ĐỊNH XÂY DỰNG THƯ VIỆN CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC THEO QUY ĐỊNH MỚI CỦA LUẬT THƯ VIỆN

ThS. Nguyễn Thị Vân
Giảng viên Khoa Pháp luật hành chính

 
1. Quy định mới về tổ chức hoạt động thư viện của Trường đại học theo Luật Thư viện
Ngày 21 tháng 11 năm 2019 Quốc hội ban hành Luật Thư viện số 46/2019/QH14 có hiệu lực ngày 01/7/2020 với nội dung quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện và quản lý nhà nước về thư viện.
Tại Điều 4 Luật Thư viện nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của thư viện:
1. Xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện.
2. Tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí; góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện.
3. Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện.
4. Phát triển văn hóa đọc và góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.
Như vậy, để thực hiện được những chức năng nhiệm vụ của thư viện thì mỗi cá nhân, tổ chức cần phải xác định, định hướng rõ phạm vi phục vụ của thư viện để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng sử dụng.
Luật Thư viện cũng quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ của thư viện sử dụng trong các Trường Đại học, ngoài những chức năng, nhiệm vụ trên thì thư viện của Trường đại học còn phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình, lĩnh vực, ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở giáo dục đại học;
- Tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác khóa luận, đồ án, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu khoa học của người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học; xây dựng tài liệu nội sinh, cơ sở dữ liệu học liệu, tài nguyên học liệu mở;
- Tổ chức không gian đọc; hướng dẫn sử dụng sản phẩm thư viện và dịch vụ thư viện; hoàn thiện kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin; củng cố, mở rộng kiến thức cho người học, người dạy và cán bộ quản lý;
- Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài;
- Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục đại học giao.
Ngày 18 tháng 8 năm 2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Thư viện, nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 05/10/2020. Theo nghị định hướng dẫn thì điều kiện thành lập thư viện của trường đại học được nâng cao về chất lượng cũng như số lượng đáng kể:
Một là, Có mục tiêu tổ chức, hoạt động thư viện phù hợp và đáp ứng các chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 14 của Luật Thư viện; có đối tượng phục vụ là người dạy, người học, nhân viên thuộc cơ sở giáo dục và các đối tượng khác có nhu cầu sử dụng thư viện theo quy chế của thư viện.
Hai là, Có tài nguyên thông tin bao gồm sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo, ấn phẩm báo, tạp chí phù hợp với mỗi chuyên ngành đào tạo của cơ sở giáo dục được xử lý theo quy tắc nghiệp vụ thư viện, đáp ứng yêu cầu phục vụ ít nhất 60% người học và người dạy.
Ba là, Có cơ sở vật chất và tiện ích thư viện bảo đảm các yêu cầu sau:
- Được bố trí ở trung tâm của cơ sở giáo dục, thuận tiện cho người sử dụng, đặc biệt đối với người khuyết tật;
- Diện tích đủ để lưu trữ tài nguyên thông tin, khu vực phục vụ, khu làm việc cho người làm công tác thư viện và các nhu cầu xử lý nghiệp vụ khác;
- Bảo đảm không gian đọc, bao gồm phòng đọc tổng hợp và phòng đọc khác dành cho người sử dụng thư viện ít nhất 200 m2;
- Bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, thiết bị kết nối mạng, thiết bị an ninh, thiết bị ngoại vi và thiết bị phụ trợ, mạng nội bộ, mạng diện rộng đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công tác thư viện và phục vụ người sử dụng thư viện, triển khai liên thông thư viện, tổ chức các dịch vụ trực tuyến và các dịch vụ liên quan;
- Bảo đảm các thiết bị, phương tiện chuyên dụng bảo quản tài nguyên thông tin, an ninh, an toàn và phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định điều kiện về người làm công tác thư viện phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Có trình độ nghiệp vụ thông tin - thư viện đáp ứng tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo quy định của pháp luật;
- Có ít nhất 70% số người làm công tác thư viện tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên chuyên ngành thông tin - thư viện hoặc tốt nghiệp chuyên ngành khác có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;
- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực trong việc hỗ trợ người học và người dạy tìm kiếm, khai thác và sử dụng tài nguyên thông tin trong và ngoài thư viện.
2. Thực trạng và một số giải pháp trong công tác xây dựng thư viện hiện nay của Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh
Thư viện Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay có tổng diện tích 186m2 gồm 01 phòng đọc sách và 01 kho sách. Phòng đọc: rộng 100m2, có đủ bàn ghế phục vụ cho 100 độc giả được trang bị đầy đủ máy điều hòa, wifi và máy tính để truy cập. Số lượng đầu sách hiện nay khoảng 2.500 là giáo trình, tài liệu học tập; khoảng 4.000 sách tham khảo; ngoài ra còn có báo, tạp chí cung cấp cho sinh viên, giảng viên và viên chức, người lao động của Phân hiệu.

Thư viện Phân hiệu Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại TP.HCM

Kho sách với diện tích 86m2

Phòng đọc với diện tích 100m2

Như vậy, với những quy định mới hiện nay của Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thì Thư viện tại Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh còn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dạy và người học. Theo lộ trình phát triển của Phân hiệu thì việc xây dựng thư viện là một tiêu chí cần được quan tâm sâu sắc bởi vai trò của thư viện ở các Trường Đại học là rất lớn, có thể nói, thư viện đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp đỡ, hướng dẫn cho sinh viên trong việc tự học, tự nghiên cứu. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thư viện, một cơ quan văn hoá giáo dục ngoài nhà trường.
Để thực hiện được điều đó, Ban giám hiệu cần quan tâm hơn nữa đến công tác thư viện và đẩy mạnh tiến trình thực hiện xây dựng thư viện đạt tiêu chuẩn, xứng đáng với sứ mệnh đặt ra của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
Thứ nhất, bổ sung thêm nhiều nguồn sách đáp ứng yêu cầu của sinh viên các ngành đang đào tạo như: Luật, Hành chính học, Quản trị văn phòng. Hiện nay, sách, tài liệu của thư viện chủ yếu là Giáo trình của các Trường, còn những cuốn sách để phục vụ cho nền tảng chuyên sâu thì vẫn còn thiếu.
Thứ hai, thực hiện số hóa tài liệu tham khảo. Ngay trong đại dịch Covid-19 khi thực hiện học trực tuyến, Nhà trường đã triển khai việc truy cập lấy tài liệu từ thư viện số của nhà trường. Tuy nhiên, đến nay thì việc phát động sinh viên tích cực tra cứu thư viện số lại gặp phải nhiều vướng mắc do số lượng tài liệu số còn khiêm tốn và hạn chế.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác liên thông thư viện. Trong bối cảnh hiện nay khi mà việc đầu tư cho khai thác thư viện còn yếu thì Phân hiệu nên hướng tới việc liên kết với một thư viện khác có nguồn tài liệu phong phú để tạo đáp ứng được nhu cầu đào tạo hiện nay của Phân hiệu.
Thứ tư, chuẩn hóa kỹ năng nghiệp vụ của người phụ trách công tác thư viện theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay, viên chức đang giữ nhiệm vụ công tác thư viện là giảng viên kiêm nhiệm, do vậy Phân hiệu cần phải cử viên chức tham gia khóa chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
Tóm lại, Phân hiệu cần phải xây dựng một kế hoạch chi tiết, cụ thể từng bước hoàn thiện những điều kiện cả về cơ sở vật chất lẫn nhân sự đáp ứng quy định của Luật Thư viện năm 2019 và các văn bản hướng dẫn để từng bước giúp đỡ toàn diện cho việc tổ chức tự học, tạo mọi điều kiện thuận tiện cho người học, người dạy và người đọc  sử dụng kho tàng sách, báo phong phú thông qua việc đọc sách, báo, học tập nhiều điều bổ ích để nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng hình thành thế giới quan, nắm vững thành tựu khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm tiên tiến trong sản xuất, nâng cao phẩm chất đạo đức - phát triển con nguời Việt Nam toàn diện.

CÁC BÀI KHÁC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây