Lời đầu tiên, Khoa Pháp luật hành chính xin được trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Phòng Quản lý đào tạo Sau đại học và Ban Giám đốc Phân hiệu TP.HCM, xin cảm ơn và chào mừng toàn thể quý vị đại biểu, quý vị khách quý đã tới tham dự: “Hội nghị tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Phân hiệu năm học 2019 - 2020” do Phân hiệu tại TP.HCM tổ chức.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định khoa học và công nghệ có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học;…”.
TS. Lê Văn Quyến - Trưởng khoa Khoa Pháp luật hành chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Phân hiệu năm học 2019 - 2020
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng bộ Nhà trường, hàng năm, Phân hiệu TP.HCM luôn bám sát chỉ đạo thực hiện chính sách, khoa học và công nghệ. Trong thời gian qua, Phân hiệu TP.HCM đã tập trung hoàn thiện với nhiều quy định đổi mới để đưa nghiên cứu khoa học (NCKH) không chỉ gắn với thực tiễn mà thực sự đồng hành để thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực,... đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì NCKH được xem là yếu tố cấp thiết và vô cùng quan trọng để tiến tới hội nhập với thế giới.
Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học của các khoa chuyên môn trong Phân hiệu. Khoa Pháp luật hành chính hiện tại với nhân sự được 04 giảng viên, không có giáo vụ khoa, nhưng với tinh thần đoàn kết cùng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Song song với việc giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm gắn kết lý luận và thực tiễn, Lãnh đạo Khoa đã triển khai công tác nghiên cứu khoa học đến toàn thể giảng viên và sinh viên ngành Luật thuộc Khoa quản lý, Cụ thể như sau:
- Năm học 2019 - 2020 có thể coi là năm đột phá về các hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ của Khoa Pháp luật hành chính: số lượng bài báo công bố quốc tế có 03 bài báo được đăng tạp chí nước ngoài; 01 sách chuyên khảo chuyên ngành Luật được xuất bản quốc tế; hơn 10 bài báo đăng trên tạp chí khoa học có chỉ số ISSN; hơn 04 bài đăng trên Nội san của Phân hiệu và nhiều đề tài từ cấp khoa đến cấp trường ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng, vượt định mức chỉ tiêu đề ra, trong đó nhiều đề tài được nghiệm thu theo đúng kế hoạch.
- Các giảng viên trong Khoa Pháp luật hành chính (KPLHC) đã chủ động, tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước với các nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu chia sẻ các kết quả nghiên cứu trên các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả những chủ đề rất mới như khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở, CMCN 4.0...
- Giảng viên trong Khoa Pháp luật hành chính đã tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường đang trong thời gian chờ hội đồng sắp lịch bảo vệ.
Bên cạnh đó, trong năm học 2019 - 2020 sinh viên ngành Luật của KPLHC đã đăng ký tham gia 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa và các đề tài đều đạt loại khá được đề cử tham gia cấp Phân hiệu. Đây là dấu hiệu tích cực làm tiền đề cho sinh viên KPLHC tiếp tục tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học trong những năm tiếp theo.
Để có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ vào sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể giảng viên KPLHC và sự ủng hộ mạnh mẽ của Ban Giám đốc Phân hiệu TP.HCM, đến nay Khoa đã thành lập được câu lạc bộ pháp luật để tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên ngành Luật nói riêng và sinh viên tại Phân hiệu TP.HCM nói chung.
Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2019 - 2020 của sinh viên Khoa Pháp luật hành chính.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học trong năm học 2019 - 2020 vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, như:
Khoa Pháp luật hành chính rất quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, song vẫn còn tình trạng chậm tiến độ; chất lượng khoa học của một số đề tài, nhiệm vụ khoa học chưa cao. Hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn còn nhiều hạn chế và kế hoạch triển khai nhiệm vụ khoa học chưa hợp lý, do đó, kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế, như: số lượng bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế còn rất thấp, đặc biệt là các tạp chí có chỉ số ISSN hoặc tạp chí trong danh mục Hội đồng giáo sư nhà nước tính trên mỗi giảng viên vẫn còn thấp.
Số lượng các nhà khoa học có thương hiệu, có sức ảnh hưởng nhất định đến các vấn đề kinh tế - xã hội và pháp luật còn ít.
Số kinh phí cấp cho sinh viên nghiên cứu khoa học còn quá thấp, chưa thúc đẩy được việc đam mê nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Cơ chế khen thưởng, khích lệ động viên cho sinh viên và giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học chưa được Nhà trường quan tâm.
Từ thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của tập thể giảng viên Khoa Pháp luật hành chính cũng như sinh viên đang tham gia học tập chuyên ngành Luật tại Phân hiệu TP.HCM hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học trong năm học 2020 - 2021, Khoa Pháp luật hành chính có một số kiến nghị như sau: Thứ nhất, Phân hiệu TP.HCM cần có phương hướng, giải pháp để phát triển nghiên cứu khoa học về mọi mặt trong thời gian tới cho các giảng viên. Trong đó, cần có quy định cụ thể để xác định nhiệm vụ NCKH năm 2020-2021 là nhiệm vụ chính của giảng viên và xem đó là điều kiện tiên quyết để xét khen thưởng thành tích thi đua của năm. Thứ hai, Phân hiệu TP.HCM cần khuyến khích, động viên, khen thưởng bằng tiền và hiện vật (như: giấy khen) cho những giảng viên có trên 3 bài viết đăng trên tạp chí có chỉ số khoa học ISSN hoặc có 01 bài đăng trên tạp chí quốc tế. Thứ ba, Giảng viên đạt thành tích nghiên cứu khoa học vượt định mức gấp 5 lần số giờ NCKH theo quy định Nhà trường được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học. Thứ tư, Nhà trường cần cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiêp vụ, đặt biệt tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho giảng viên tham gia dự các hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước. Thứ năm, Nhà trường cần tập trung nghiên cứu và có kế hoạch tăng cường trao đổi kinh nghiệm công tác và thu hút lực lượng nghiên cứu khoa học bên ngoài. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quản lý khoa học để hoạt động nghiên cứu đi vào nề nếp, đặc biệt là chú trọng vào quản lý chất lượng đề tài. Đồng thời tiếp tục tăng cường có những bài viết nghiên cứu chuyên sâu và có nhiều bài viết đăng trên tạp chí có chỉ số khoa học ISSN. Thứ sáu, Nhà trường hết sức linh hoạt và trao quyền cụ thể cho các khoa trong Phân hiệu TP.HCM có đủ quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ trong quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học thuộc Khoa quản lý. Việc trao quyền hạn và nhiệm vụ cụ thể sẽ giúp Khoa chủ động xử lý công việc tốt hơn, đồng thời hạn chế được những công việc luôn bị động trong thời gian qua. Thứ bảy, Nhà trường có chính sách khen thưởng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học khi đạt thành tích NCKH loại khá, giỏi. Ngoài ra, cần xem kết quả nghiên cứu khoa học là một phần trong thang điểm rèn luyện để tạo động lực cho các em sinh viên tích cực phấn đấu, hăng say nghiên cứu khoa học.
Khoa Pháp luật hành chính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp !
Xin chân thành cảm ơn./.