NHỮNG ĐỔI MỚI VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC PHẦN TIẾNG ANH
HỆ ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NỘI VỤ HÀ NỘI
(PHÂN HIỆU THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)
ThS. Bùi Thị Phương Lan
(GV Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. HCM)
Nhận thức được vai trò của ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1400/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 9 năm 2008, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trong giai đoạn 2008-2020” với mục tiêu là đổi mới toàn diện việc học và dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học mới ở các cấp học, trình độ đào để đến năm 2020 đa số sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học đều có khả năng sử dụng ngoại ngữ 1 cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và nghiên cứu trong môi trong hội nhập, đa văn hoá, đa ngôn ngữ, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh, phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực hiện tinh thần nêu trên, Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ tại TP. Hồ Chí Minh ngay từ những năm đầu tiên thành lập đã đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập bộ môn tiếng Anh.
1. Đổi mới về cách thức tổ chức lớp học
- Phân loại đầu vào
Từ năm 2018, tổ chức kiểm tra phân loại đầu vào sinh viên là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên khi làm hồ sơ nhập học. Phòng Quản lý đào tạo và Công tác sinh viên phối hợp với Khoa Khoa học cơ bản và Chính trị học tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh của sinh viên. Kết quả kiểm tra trình độ tiếng Anh được sử dụng làm căn cứ để phân loại, bố trí lớp học và chương trình cũng như phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng.
Sinh viên sau khi kiểm tra trình độ tiếng Anh sẽ được phân thành hai nhóm.
+ Nhóm 1 là những sinh viên có kết quả kiểm tra trình độ tiếng Anh đạt dưới 5/10 điểm (thang điểm 10).
+ Nhóm 2: là những sinh viên có kết quả kiểm tra trên 5 điểm.
- Tổ chức lớp học phần ngoại ngữ
Mục đích của việc tổ chức các lớp học phần theo 2 nhóm như vậy nhằm tạo thuận lợi cho người học ở trình độ thấp hơn có cơ hội tiếp cận với phương pháp học tập đơn giản, phù hợp hơn, cũng như có thêm thời gian tích lũy để nhanh chóng bắt kịp với nhóm 2 ở học phần Tiếng Anh 2, Tiếng Anh 3 và lộ trình học tập hướng tới chuẩn đầu ra.
Cụ thể như sau:
+ Về giáo trình cứng học trên lớp: Sinh viên nhóm 1 và nhóm 2 học cùng một giáo trình Face2Face (Pre-intermediate) by Chris Redston, Gillie Cunning, Cambridge University Press, số lương bài cũng tương đương nhau.
+ Về giáo trình bổ trợ: Sinh viên nhóm 1 sẽ được tiếp cận tập giáo trình bổ trợ ở mức độ dễ hơn so với nhóm 2
+ Về phương pháp giảng dạy: Nhóm 1 sẽ được tiếp cận phương pháp tối đơn giản, trong giờ học tiếng mẹ đẻ được sử dụng lồng ghép với ngôn ngữ đích (tiếng Anh), các bài tập sẽ được yêu cầu thực hiện một cách nghiêm túc hơn, số lượng kiến thức ngôn ngữ phải tiếp nhận nhiều hơn nhằm tích lũy và theo kịp nhóm 2. Ngược lại, nhóm 2 sẽ được làm quen với phương pháp giảng dạy mới và hiện đại hơn, tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính trong lớp học, các dạng bài tập gắn liền với các kỹ năng nghe, nói được chú trọng qua các trò chơi, các bài hát hoặc qua các hoạt động đóng vai …
2. Đổi mới về giáo trình học tập
Từ năm 2018, giáo trình giao tiếp tiếng Anh: Face2Face (Pre-intermediate) by Chris Redston, Gillie Cunning, Cambridge University Press được sử dụng là giáo trình chính trong giảng dạy và học tập đối với các sinh viên hệ đại học chính quy. Đây không phải là giáo trình mới nhất, nhưng với mục tiêu đề ra trong xây dựng chương trình bộ môn Tiếng Anh thì về cơ bản nó phù hợp hơn so với giáo trình New Cutting Edge (Elementary và Pre-Intermediate) by Sarah Cunning Ham, Perter Moor được sử dụng trước đó.
Giáo trình Face2Face (Pre-intermediate) gồm có 12 bài, mỗi bài có 4 phần chính, được dạy xuyên suốt trong cả 3 học phần Tiếng Anh (1,2,3).
- Học phần Tiếng Anh 1, có 04 bài (từ bài 1 đến hết bài 4) kèm theo 01 giáo trình bổ trợ được biên soạn và phê duyệt của Trung tâm Tin học Ngoại ngữ. Giáo trình bổ trợ của nhóm 1(đối tượng dưới 5/10 điểm) khác với giáo trình bổ trợ của nhóm 2 (đối tượng từ 5 điểm trở lên)
- Học phần Tiếng Anh 2, có 05 bài (từ bài 5 đến hết bài 9)
- Học phần Tiếng Anh 3, có 03 bài (từ bài 10 đến hết bài 12), kèm theo tập giáo trình bổ trợ.
3. Đổi mới về thời lượng học tập trên lớp của các học phần
Từ năm 2019, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, hướng tới chuẩn đầu ra theo quy định của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, các học phần Tiếng Anh có sự điều chỉnh về thời lượng giảng dạy trên lớp.
Cụ thể như sau:
- Tiếng Anh 1: Điều chỉnh từ 45 tiết lên thành 60 tiết
- Tiếng Anh 2: Điều chỉnh từ 60 tiết lên thành 90 tiết
- Tiếng Anh 3: Điều chỉnh từ 45 tiết lên thành 60 tiết
4. Đổi mới về phương pháp đánh giá
Trước năm 2018, hình thức kiểm tra đánh giá khá đơn giản, thi kết thúc học phần việc đánh giá được thực hiện qua 01 bài kiểm tra online và 01 bài kiểm tra nói. Tuy nhiên từ Khóa 2018, yêu cầu về đánh giá chặt chẽ hơn. Ngoài điểm chuyên cần 10%, và 1-2 bài kiểm tra điều kiện (phụ thuộc vào số tín chỉ) chiếm tỷ trọng 30% số điểm tổng, thi kết thúc học phần 60% phải thi cả 4 kỹ năng NGHE, NÓI, ĐỌC, VIẾT.
Với những yêu cầu mới về kiểm tra đánh giá như trên, đòi hỏi việc dạy và học phải có sự điều chỉnh tích cực nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.
5. Xây dựng hệ thống ngân hàng đề phân loại đầu vào, kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ, chuẩn đầu ra
Song song với việc kiểm tra phân loại đầu vào, tổ chức lớp học theo trình độ, thay đổi giáo trình, cách thức kiểm tra đánh giá cũng như tăng thời lượng học tập trên lớp, Trường Đại học Nội vụ Hà nội nói chung và Phân hiệu TP.Hồ Chí Minh nói riêng cũng đã và đang xây dựng những bộ bài kiểm tra đánh giá hoàn chỉnh cho cả 3 học phần. Từ bộ test kiểm tra đầu vào, đến ngân hàng đề kiểm tra giữa kỳ, ngân hàng đề thi kết thúc học phần hay bộ chuẩn đầu ra tốt nghiệp. Tất cả đều được xây dựng theo quy chuẩn từ dễ đến khó, từ cấp độ đơn giản đến phức tạp và mang tính hệ thống cao.
Với bộ ngân hàng sẵn có, chúng ta không còn mất nhiều thời gian cho việc soạn đề hằng năm, giảm chi phí cho nhà trường và quan trọng hơn là việc kiểm tra đánh giá sẽ công bằng và khách quan hơn. Các em sinh viên toàn khối sẽ phải làm bài kiểm tra cùng một đề nếu trùng ca nhau, điều đó đảm bảo tính công bằng trong đánh giá, giảm thiểu độ chênh lệch quá dễ hay quá khó giữa các lớp so với việc giáo viên lớp nào tự kiểm tra đánh giá lớp đó.
6. Ban hành về chuẩn đầu ra về ngoại ngữ
Với quyết tâm thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trong giai đoạn 2008-2020” một cách triệt để và toàn diện, sinh viên đại học hệ chính quy Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tốt nghiệp từ năm 2020 trở đi phải tham gia kỳ thi chuẩn đầu ra ngoại ngữ do Trường tổ chức.
Quy định học và kiểm tra chuẩn đầu ra môn tiếng Anh, đòi hỏi sinh viên phải đạt mức B1, tương đương với mức độ 3 của Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt (theo Quyết định số 730/QĐ-BGDĐT, ngày 11 tháng 3 năm 2015), được mô tả tổng quát như sau:
Có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, v.v... Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra khi đến khu vực có sử dụng ngôn ngữ đó. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.
Cụ thể được mô tả một cách tổng quát đối với các kỹ năng như sau:
Khả năng nghe
- Có thể hiểu được những thông tin hiện thực đơn giản được diễn đạt rõ ràng bằng giọng chuẩn về các chủ đề liên quan tới cuộc sống và công việc thường ngày.
- Có thể xác định được ý chính trong các bài nói được trình bày rõ ràng về những chủ đề thường gặp trong cuộc sống, công việc hay trường học, kể cả các câu chuyện khi được diễn đạt rõ ràng bằng phương ngữ chuẩn phổ biến.
Khả năng nói: Có thể giao tiếp tương đối tự tin về các vấn đề quen thuộc liên quan đến sở thích, học tập và việc làm của mình. Có thể trao đổi, kiểm tra và xác nhận thông tin, giải thích vấn đề nảy sinh. Có thể trình bày ý kiến về các chủ đề văn hóa như phim ảnh, sách báo, âm nhạc. Có thể tham gia đàm thoại về các chủ đề quen thuộc mà không cần chuẩn bị, thể hiện quan điểm cá nhân và trao đổi thông tin về các chủ đề quen thuộc liên quan đến sở thích cá nhân, học tập, công việc hoặc cuộc sống hằng ngày.
Khả năng đọc: Có thể đọc hiểu các văn bản chứa đựng thông tin rõ ràng về các chủ đề liên quan đến chuyên ngành và lĩnh vực yêu thích, quan tâm của mình.
Khả năng viết: Có thể viết bài đơn giản, có tính liên kết về các chủ đề quen thuộc hoặc mối quan tâm cá nhân bằng cách kết nối các thành tố đơn lập thành bài viết có cấu trúc.
Như vậy, với những điều chỉnh, bổ sung và đổi mới trong cách tổ chức giảng dạy và đánh giá theo xu hướng tích cực như đã nêu trên, hy vọng việc dạy và học ngoại ngữ của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nói chung và Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh nói riêng sẽ có những bước tiến vượt bậc về chất lượng, góp phần nâng cao, đổi mới toàn diện việc học và dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân./.