“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” – Hạt ngọc trong tư tưởng biện chứng của Hồ Chí Minh
ThS. Lâm Thị Thu Việt
Khoa Khoa học cơ bản và Chính trị học
Phép biện chứng là thành tựu lý luận chung của lịch sử nhân loại trong đó không thể không nhắc đến những nhà triết học vĩ đại như Mác, Ăngghen. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức một cách sâu sắc tinh thần trong phép biện chứng của nhân loại từ đó phát triển, sáng tạo nên tư tưởng biện chứng của riêng mình trong điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là một trong những nét độc đáo trong tư tưởng biện chứng của Người. Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra ra sâu rộng trên thế giới, để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước thì việc nắm vững tinh thần, nội dung trong quan điểm“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là một trong những nội dung quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta cần nắm vững.
Nguyễn Ái Quốc, tên thật là Nguyễn Sinh Cung (1890-1969), là anh hùng giải phóng dân tộc và là doanh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng biện chứng của Người là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại một cách sâu sắc trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn cách mạng Việt Nam. Quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là trong những nội dung khá độc đáo của Người. Ngay trong lúc đất nước rơi vào tình thế vô vàn khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, thời điểm ngày 31 tháng 5 năm 1946, trước khi lên máy bay sang Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng: "Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ "Dĩ bất biến ứng vạn biến" [1, tr.216].
Đây vốn là tư tưởng biện chứng phương đông cổ truyền trong phương pháp cách mạng. Nội dung của tư tưởng đó là:
- Lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt, vạn vật luôn biến đổi, sinh sinh, hóa hóa tùy theo hoàn cảnh nhưng cũng theo một quy luật nhất định và phải nắm được cái quy luật (cái bất biến" ấy thì có thể điều khiển được mọi biến hóa (các vạn biến) của trời đất.
- Lấy tĩnh chế động: Bản chất của thế giới cũng như quy luật vận động của nó là tương đối ổn định nhưng khi biểu hiện ra bên ngoài rất phong phú, đa dạng, các hiện tượng luôn vận động và biến đổi vì thế phải nắm được cái bất biến, cái ổn định thì mới có thể chế ngự được cái vạn biến.
- Lấy cái mềm dẻo để chế ngự cái cứng rắn.
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" là "cẩm nang", là sự kết tinh lý luận và phương pháp biện chứng của Hồ Chí Minh, là một bước triển khai sâu sắc quan điểm "thiên biến vạn hóa" và "tùy cơ ứng biến". "Vạn biến" là đặc tính của thế giới bên ngoài. "bất biến" trước hết là đặc tính thế giới quan bên ngoài. Đây là hai mặt đối lập cấu thành một chỉnh thể và nếu diễn đạt theo ngôn ngữ của phép biện chứng hiện đại, thì nó là đặc tính "vận động có quy luật nội tại" của hiện thực khách quan. Chủ thể "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" tức là nắm lấy quy luật, nắm lấy cái "bất biến" mà ung dung ứng xử với mọi tình huống biến đổi. "Bất biến" không phải là không làm gì. Bất biến cũng là vạn biến, cũng là thiên biến vạn hóa, cũng là tùy cơ ứng biến, nhưng là cái vạn biến, cái thiên biến vạn hóa, cái tùy cơ ứng biến phù hợp với quy luật được nhận thức. Đây là một quan điểm biện chứng sâu sắc.
Hồ Chí Minh đã nhận thức và vận dụng linh hoạt, sáng tạo dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam. Đó chính là sự kiên định về lập trường, nguyên tắc, quan điểm với sự linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, phương pháp trong mọi biến đổi của tình hình thực tiễn cách mạng. Phương pháp ấy được quán triệt và thể hiện trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người góp phần làm nên những thắng lợi quyết định cho sự nghiệp cách mạng.
Với tư cách là một quan điểm, "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" đồng thời còn vai trò làm hoàn thiện lý luận biện chứng cũng như hệ quan điểm biện chứng của Hồ Chí Minh. Cái "bất biến" cùng với cái "vạn biến" cấu thành bản chất hữu cơ của thể giới - bản chất biện chứng. Với tư cách là một quan điểm, nó cấu thành hạt nhân của phương pháp biện chứng Hồ Chí Minh. Xuyên qua mọi biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc, trong muôn vàn những biến đổi phức tạp của xã hội Việt Nam dưới chế độ thuộc địa, Hồ Chí Minh đã thấy và nắm được cái "bất biến" đó là "chủ nghĩa dân tộc", là động lực vĩ đại và duy nhất của toàn bộ sự vận động của xã hội Việt Nam. Nắm được chủ nghĩa dân tộc là nắm được cái "bất biến" trong cái "vạn biến". Phát huy và phát triển chủ nghĩa dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Cả cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn hành xử theo quan điểm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Là người góp phần làm nên nhiều biến chuyển của thời đại, song Hồ Chí Minh chỉ có một "sự ham muốn, ham muốn tột bậc", đó là độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Những lúc Người phải ẩn nấp nơi núi non, hay ra vào chốn tù tội, là "một chiến sĩ vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận" hay Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", là người lãnh đạo hay là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân... thì cũng đều vì một cái "bất biến" ấy. Sự kiên định lập trường, mục tiêu, lý tưởng xuyên qua cuộc đời đầy sự kiện sinh động của Hồ Chí Minh là sự thể hiện quan điểm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Đối với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc, thống nhất cho tổ quốc, tự do cho nhân dân là cái bất biến và là ham muốn tột bậc của Người, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì cái bất biến ấy cũng không hề thay đổi và không điều gì có thể mua bán, trao đổi được. Dù con đường giành lấy độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân một cách thật sự là vô cùng gian nan, vất vả, hy sinh rất nhiều máu thịt của nhân dân nhưng Người luôn kiên định về mục tiêu cách mạng. Và thật sự, trong suốt chặng đường cách mạng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta kiên định mục tiêu cách mạng, giữ vững cái bất biến ấy. Chính vì sự kiên định đó mà cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi có ý nghĩa lịch sử không chỉ với dân tộc mà còn có ý nghĩa thời đại to lớn. "Trong thực tiễn hoạt động cách mạng, dĩ bất biến nhưng phải ứng vạn biến, ứng vạn biến không xa rời, vứt bỏ cái bất biến, đó chính là tinh thần biện chứng, duy vật trong phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh" [2, tr.104].
Trong suốt quá trình đấu tranh cách, chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn vận dụng phương pháp "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" vừa khoa học, nghệ thuật. Biểu hiện, trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" (thời kỳ 1945-1946), Người đã vận dụng rất thành công phương pháp này, vừa cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo, linh hoạt về sách lược để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh. Trong thời kỳ 1945-1946, cách mạng Việt Nam ngay từ những buổi đầu dựng nước đã ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Phía Nam, quân đội Anh chiếm đóng; ở phía Bắc, hai mươi vạn quân Tưởng kéo vào, bọn phản động liên kết với nhau tổ chức bạo loạn hòng lật đổ Chính phủ lâm thời. Lúc này Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết đoán, kể cả phải dùng đến những biện pháp đau đớn để cứu vãn tình thế “không thể do dự. Do dự là hỏng hết'' [3, tr.161]. Đảng phải tuyên bố tự giải tán vào hoạt động bí mật; Chính phủ phải nhường ghế cho đại diện các đảng phái khác để giữ vững chính quyền non trẻ. Ta đồng ý nhường cho bọn tay sai của giặc Tưởng 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử và một số chức vụ quan trọng trong Chính phủ, nhưng chủ quyền dân tộc được giữ vững. Khi quân Tưởng - Pháp ký Hiệp ước Hoa - Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mau chóng đưa ra chủ trương “Hòa để tiến”. Chủ trương này đã dẫn đến Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 giữa Việt Nam và Pháp. Trong Hiệp định ghi rõ, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khối “Liên hiệp Pháp” là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép quân Pháp vào một số địa điểm ở Bắc Việt Nam thay thế quân Tưởng Giới Thạch. Để đi đến một quyết định cực kỳ quan trọng có liên quan đến sự sống còn của dân tộc, Người suy nghĩ và cân nhắc rất thận trọng. Đây cũng là bước nhân nhượng cuối cùng vì nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của đất nước và lợi ích tối cao của dân tộc. Sau khi ký Hiệp định sơ bộ, ngày 7-3 Người đã phải nói trước quốc dân, đồng bào: “Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước” [1, tr.173].
Dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong đấu tranh cách mạng, nhân dân ta đã sử dụng linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp đấu tranh cách mạng khác nhau, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn cách mạng: khi thì dùng lực lượng chính trị độc lập, khi thì lực lượng vũ trang độc lập tác chiến, có lúc lại kết hợp chặt chẽ hai lượng trên phù hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp cho thắng lợi của cách mạng. Sự kết hợp nhiều hình thức đấu tranh cách mạng đã dẫn đến sự phát triển đồng bộ, làm cho các lĩnh vực đều có bước nhảy thích hợp, hỗ trợ nhau để cùng đi đến thắng lợi từng mặt, thắng lợi toàn bộ trong từng giai đoạn cách mạng.
Để có sức mạnh to lớn cho cách mạng thì một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng là nghệ thuật kết hợp những lực lượng nhất định để tạo ra những chất nhất định để tạo nên từ các nhân tố cấu thành sự vật mà còn được tạo nên từ cách sắp xếp các nhân tố ấy. Cùng một lực lượng lượng như nhau nhưng có kết hợp khác nhau sẽ tạo ra những chất khác nhau.
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" còn thể hiện trong cách thức tổ chức, biên chế lực lượng, trang bị vũ khí, kỹ thuật phù hợp với địa hình, địa vật với cách đánh sở trường rất linh hoạt và sáng tạo của ta, phát huy yếu tố tinh thần, ý chí cách mạng tạo nên chất lượng chiến đấu có hiệu quả cao, đánh thắng các kẻ thù xâm lược. Việc sử dụng mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo các nhân tố về không gian, thời gian, khi thì trường kỳ, lúc thần tốc; khi đánh du kích, lúc tập trung binh lực lớn; kết hợp đánh lớn, đánh vừa và đánh nhỏ lẻ; kết hợp căng kéo địch rộng khắp trên cả nước với tập trung lực lượng đánh những đòn quyết định. Phương pháp đánh địch như vậy đã làm cho lực lượng mạnh của địch không phát huy được hiệu lực, càng đánh càng hao mòn trong quá trình cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài.
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" cũng là triết lý hành động, phương châm công tác, cách ứng xử, học tập của Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong sự kết hợp giữa mục tiêu và phương pháp đã góp phần quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Như vậy, "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" thực sự là một hạt ngọc quý trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, trong lý luận và phương pháp biện chứng Hồ Chí Minh nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh (1993), Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Đặng Xuân Kỳ (2004), Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.